(khucongnghiep.com.vn) Ngày 4/11/2016, Hội nghị giao ban Câu lạc bộ Ban Quản lý (BQL) các KCN, KCX, KKT và khu công nghệ cao (KCNC) các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ 5 đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) với chủ đề “Những vướng mắc trong thực hiện thủ tục thành lập mới, mở rộng và bổ sung quy hoạch các KCN, KKT và đề xuất tháo gỡ”.
Hội nghị đã nghe các ý kiến đóng góp về những vướng mắc trong thực hiện thủ tục thành lập mới, mở rộng và bổ sung quy hoạch các KCN, KKT theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP như thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN; điều kiện bổ sung KCN vào Quy hoạch tổng thể phát triển KCN; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 và chức năng, nhiệm vụ của BQL các KCN….
Cơ chế quản lý “một cửa tại chỗ” chưa được vận hành theo đúng nghĩa
Đại diện BQL các KCX&CN TP.HCM (Hepza) chia sẻ: mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa tại chỗ” được áp dụng đầu tiên tại các KCX&CN TP.HCM, đã phát huy tác dụng trong cải cách hành chính, thu hút đầu tư vào KCX, KCN và được áp dụng rộng rãi cho các BQL KCN tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay đây vẫn là một mô hình mới trong quản lý, chỉ được quy định ở cấp Nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp Luật. Do đó, khi có sự thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực như: đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, lao động, thanh tra, công chứng… thì mô hình BQL bị “bỏ quên” và mất dần vai trò của mình, khiến cơ chế “một cửa tại chỗ” không vận hành theo đúng nghĩa. Để thực hiện hiệu lực và hiệu quả vai trò của mình, BQL phải kiến nghị hoặc xin ủy quyền của các cơ quan chức năng, kể cả cấp sở và cấp quận huyện. Bên cạnh đó, các Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và 164/2013/NĐ-CP có hiệu lực đã lâu, tuy nhiên việc hướng dẫn, phân quyền, ủy quyền cho các BQL còn chậm. Theo Hepza, việc phân quyền hoặc ủy quyền cho các BQL phải rõ ràng và có lộ trình cụ thể, tránh quy định chung chung sẽ khó triển khai trong thực tế. Về lâu dài, cần sớm đưa Luật quản lý KCN, KKT vào lộ trình xây dựng luật pháp. Đại diện BQL các KCN tỉnh Vĩnh Long cũng đề xuất các Bộ, ngành, cơ quan chức năng nên xem xét việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với nhiệm vụ xử lý vi phạm trong các KCN cho BQL các KCN, KKT.

Về thủ tục, điều kiện bổ sung KCN vào Quy hoạch tổng thể phát triển KCN và thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, theo đại diện BQL các KCN tỉnh Bình Dương thì so với Luật Đầu tư năm 2005, các thủ tục phức tạp và mất thời gian nhiều hơn vì dự án phát triển kết cấu hạ tầng KCN thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Điều 30 Luật Đầu tư; còn hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư. Trong khi đó, trước khi thực hiện việc thỏa thuận chủ trương, các KCN này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển KCN và đã được thẩm định trước 1 bước.
Đại diện Hepza cũng cho biết thêm, quy hoạch tổng thể phát triển KCN, điều kiện bổ sung KCN vào Quy hoạch tổng thể phát triển KCN, nội dung và thủ tục thẩm định bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KCN và thành lập KKT được quy định tại Điều 4, Điều 6, Điều 13 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP có sự chồng chéo, trùng lắp với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư 2014 và Điều 31 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Cụ thể, khi thực hiện thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư, dự án được thẩm định về các điều kiện như sự phù hợp quy hoạch ngành, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất... Trong khi các nội dung này đã được thẩm định khi KCN được quy hoạch tổng thể phát triển.
Cũng theo quy định Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và Luật Đầu tư năm 2014, Thủ tướng Chính phủ vừa là cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển KCN, cũng vừa là cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Do đó, với 1 dự án thành lập KCN mới phải trải qua 2 lần trình qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cùng các bộ ngành có liên quan) và Thủ tướng Chính phủ.
Hơn nữa, đối với KCN có quy mô diện tích từ 200 ha trở lên hoặc có vị trí cạnh các tuyến quốc lộ, gần các khu vực quốc phòng, khu bảo tồn di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn sinh thái của vùng và quốc gia, nằm trong các đô thị loại II, loại I và loại đặc biệt phải có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan về quy hoạch chi tiết xây dựng KCN trước khi trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Như vậy, các KCN thuộc dạng này phải trải qua 3 lần trình xin ý kiến của các cơ quan có liên quan, mặc dù thông tin về diện tích (lớn hơn 200 ha) và vị trí của khu đã được trình tại hồ sơ khi bổ sung KCN vào Quy hoạch tổng thể phát triển KCN của tỉnh, thành phố. Các ý kiến cho rằng, nên đơn giản các thủ tục này.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phát biểu tại Hội nghị
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư để đầu tư mới, mở rộng KCN cần được điều chỉnh cho phù hợp
Tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP có quy định về điều kiện để cấp Giấy chứng nhận đầu tư (hiện nay gọi là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) là: “Tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN đã được thành lập trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất ít nhất là 60%”. Hiện nay, điều kiện này đang có những vướng mắc khi thực hiện trong thực tế, cụ thể:
Việc triển khai hạ tầng và thu hút đầu tư của một KCN mới thường kéo dài. Cụ thể, tại các KCX, KCN thành phố thì quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng của một KCN không dưới 3 năm, thậm chí có khu có thể kéo dài đến 10 năm do diện tích lớn và đầu tư theo dạng cuốn chiếu. Việc thu hút đầu tư và lấp đầy 50% diện tích của 1 KCN cũng kéo dài hơn 5 năm. Do đó, khi đủ điều kiện lấp đầy của các khu đã thành lập là 60% và đã thành lập thêm 1 hoặc một số KCN mới, thì các KCN dự định thành lập tiếp theo không thể đáp ứng được điều kiện này trong thời gian ngắn (1 đến 2 năm), cho dù các KCN này có nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển KCN của thành phố.
Việc phải chờ trong thời gian dài để đáp ứng đủ điều kiện lấp đầy của các khu đã thành lập là 60% khiến cho các khu đã nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển KCN của thành phố mà chưa triển khai được (không phải do lỗi của chủ đầu tư) trở thành các dự án “quy hoạch treo”, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực bị quy hoạch, có khả năng phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.
Do đó, để tránh việc thành lập nhiều KCN mà kém hiệu quả trong thu hút đầu tư, đồng thời tránh được các vướng mắc nêu trên, cần xem xét chỉ giữ lại điều kiện về tỷ lệ lấp đầy tại Khoản 1 Điều 6 về điều kiện bổ sung KCN vào Quy hoạch tổng thể phát triển KCN.
Hồ sơ thành lập, mở rộng KCN: thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng Quyết định chủ trương đầu tư
Theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014 thì hiện nay dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KCX là dự án thuộc trường hợp phải thực hiện Thủ tục Quyết định chủ trương đầu tư (Thủ tướng chính phủ quyết định). Cũng theo quỵ định Luật Đầu tư năm 2014, đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì nhà đầu tư chỉ thực hiện khi có đề nghị (đối với dự án trong nước) hoặc khi dự án có vốn nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 51% (trước đây là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau khi thẩm tra). Tuy nhiên, tại Điều 10, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP về hồ sơ thành lập, mở rộng KCN có quy định thành phần hồ sơ Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN.
Để đảm bảo sự phù hợp quy định của Luật Đầu tư, thủ tục tại Điều 10, Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, các ý kiến đề xuất nên thay thế thành phần hồ sơ Giấy chứng nhận đầu tư bằng Quyết định chủ trương đầu tư.
Về quy định điều kiện thành lập KCN và mở rộng KCN, ông Kiều Công Minh - Trưởng ban, BQL KKT tỉnh Tây Ninh kiến nghị: đối với các KCN đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý, phê duyệt vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh thì không áp dụng tỷ lệ lấp đầy theo quy định hiện nay. Trường hợp đề nghị thành lập mới KCN nằm ngoài quy hoạch thì phải đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định. Bên cạnh đó, việc mở rộng các KCN nhưng đảm bảo quy mô theo quy hoạch được duyệt đề nghị không áp dụng tỷ lệ lấp đầy đối với trường hợp không cùng chủ đầu tư của giai đoạn trước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã chia sẻ với những khó khăn của các BQL KCN cấp tỉnh và đồng tình với các ý kiến tại Hội nghị về việc cấp thiết phải có luật về KCN, KKT. Ông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất trao thẩm quyền cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp cho BQL KCN cấp tỉnh, đồng thời, trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư.