(khucongnghiep.com.vn) Trao đổi với phóng viên Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nhấn mạnh, trong thời gian qua
PV: Thưa ông, trong năm 2016 vừa qua, việc sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KKT tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó, đáng chú ý là việc nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP quy định về KCN, KKT. Xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của Dự thảo Nghị định đang rất được chờ đợi này?
Ông Trần Duy Đông: Năm 2016, công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn, tạo đòn bẩy để phát triển, phát huy hiệu quả hoạt động và vai trò động lực của KCN, KKT cho tăng trưởng kinh tế.
Trong năm vừa qua, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP quy định về KCN, KKT (gọi tắt là Dự thảo Nghị định) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu xây dựng nhằm cập nhật, phù hợp với các quy định tại các văn bản Luật liên quan mới được ban hành; sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, bổ sung mô hình KCN mới; thống nhất, hoàn thiện xây dựng mô hình quản lý nhà nước đối với KCN, KCX, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ” để phát huy vai trò, nhiệm vụ “một cửa, đầu mối” của Ban Quản lý KCN, KKT trong quản lý nhà nước đối với các KCN, KKT trên địa bàn.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Dự thảo Nghị định sửa đổi 24 Điều đã được quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, 164/2013/NĐ-CP và 114/2015/NĐ-CP cho phù hợp với thực tiễn và bổ sung mới 14 Điều với một số điểm nổi bật như sau:
Về điều kiện bổ sung KCN vào quy hoạch phát triển các KCN của cả nước, Dự thảo Nghị định quy định rõ các điều kiện áp dụng đối với 02 trường hợp, gồm bổ sung quy hoạch KCN mới và bổ sung quy hoạch KCN mở rộng.
Về điều chỉnh giảm diện tích, đưa KCN ra khỏi quy hoạch, Dự thảo Nghị định quy định về căn cứ điều chỉnh, hồ sơ, trình tự thủ tục và nội dung thẩm định việc điều chỉnh giảm, đưa KCN ra khỏi quy hoạch, trong đó hồ sơ, nội dung, thời gian thẩm định quy định đơn giản hơn so với trường hợp bổ sung quy hoạch KCN.
Về ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT, Dự thảo Nghị định quy định các nguyên tắc ưu đãi chung áp dụng cho KCN, KKT thống nhất với pháp luật về đầu tư, thuế.
Về quản lý giá cho thuê, cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các loại phí sử dụng hạ tầng, Dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của chủ đầu tư phát triển hạ tầng KCN trong việc hạch toán các ưu đãi, hỗ trợ để giảm giá cho nhà đầu tư thứ cấp.
Về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền thực hiện chức năng nhiệm vụ chuyên ngành cho Ban Quản lý KCN, KKT, Dự thảo Nghị định quy định các nguyên tắc thực hiện như: đảm bảo sự ổn định, tạo điều kiện để thực hiện cơ chế hành chính một cửa tại chỗ; Ban Quản lý xếp hạng I theo quy định của Bộ Nội vụ được phân cấp, ủy quyền toàn diện…
Về chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý KCN, KKT, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số chức năng, nhiệm vụ đã quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP trên cơ sở cập nhật theo văn bản quy định pháp luật chuyên ngành.
Bổ sung trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quy hoạch, xây dựng công trình văn hóa - thể thao, công trình phúc lợi cho người lao động trong KCN, KKT.
Bổ sung các quy định về các mô hình KCN mới như KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN hỗ trợ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư triển khai trên thực tế để nâng cao khả năng cạnh tranh của các KCN Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện nay, Dự thảo Nghị định đang trong giai đoạn tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2017.
PV: Thưa ông, việc bổ sung quy định về các mô hình KCN mới như KCN sinh thái, KCN - đô thị - dịch vụ, KCN hỗ trợ tại Dự thảo Nghị định như vừa nêu ở trên xuất phát từ những cơ sở thực tiễn nào? Dự thảo Nghị định quy định cụ thể như thế nào về các mô hình này?
Ông Trần Duy Đông: KCN sinh thái là mô hình đã được nghiên cứu từ đầu thập niên 90, được triển khai mạnh mẽ tại các nước phát triển và đã mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường. Chuyển đổi mô hình KCN theo hướng phát triển KCN sinh thái, bền vững về môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng đang là xu hướng chung trên thế giới.
Nhằm tạo điều kiện phát triển công nghiệp một cách bền vững và thân thiện với môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đang thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” với nguồn vốn được tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiến hành triển khai từ năm 2014, thực hiện trong 36 tháng tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ với mục tiêu tăng cường chuyển giao, ứng dụng, phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và quản lý tốt hóa chất tại các KCN. Thực tiễn thí điểm tại 03 KCN ở các địa phương trên đang cho thấy, cần áp dụng mô hình KCN sinh thái để đảm bảo hiệu quả hơn về sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của các KCN.
Trong khuôn khổ Dự án này, cuối tháng 9/2016 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UNIDO tổ chức thành công Hội nghị chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái tại Việt Nam. Kết quả của Hội nghị đã được tiếp thu, tổng hợp trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định.
Các nội dung về KCN sinh thái được quy định tại Dự thảo Nghị định bao gồm: khái niệm; mục tiêu phát triển; tiêu chí; chính sách chuyển đổi sang KCN sinh thái; ưu đãi đối với doanh nghiệp trong KCN sinh thái. Đối với các quy định mang tính kỹ thuật như quy trình chuyển đổi sang KCN sinh thái, yêu cầu tối thiểu của KCN sinh thái trên góc độ kỹ thuật, xã hội và môi trường, Dự thảo Nghị định quy định giao cho các Bộ liên quan hướng dẫn triển khai ở các văn bản dưới Nghị định.
KCN - đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của KCN. Trong mô hình này, ngoài khu chức năng là khu sản xuất công nghiệp còn có các khu chức năng khác như: trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm ươm tạo doanh nghiệp, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí... để tạo một môi trường sống và làm việc đẳng cấp cho chuyên gia, người lao động trong và ngoài nước. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phát triển thành công mô hình này như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Tại Việt Nam, một số chủ đầu tư hạ tầng KCN cũng đầu tư đồng bộ khu đô thị, dịch vụ liền kề KCN, tạo thành tổng thể một KCN - đô thị - dịch vụ như KCN đô thị dịch vụ VSIP tại Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ngãi,… Việc phát triển mô hình này trước hết sẽ góp phần giải quyết được vấn đề về nhà ở, công trình văn hóa, thể thao đảm bảo cuộc sống của người lao động trong KCN và sau này tiến tới xây dựng môi trường làm việc và sinh sống đẳng cấp quốc tế với các ngành sản xuất công nghệ cao, hiện đại gắn với các trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong các lĩnh vực đó.
Dự thảo Nghị định quy định các nội dung về KCN - đô thị - dịch vụ, bao gồm: khái niệm; mục tiêu phát triển; quy hoạch và đầu tư xây dựng KCN đô thị dịch vụ.
Mô hình KCN hỗ trợ được xây dựng để góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để phát triển mô hình này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập KCN chuyên sâu để phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, 03 phân khu công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh Đồng Nai. Về cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận một số ưu đãi cho KCN chuyên sâu, phân khu công nghiệp hỗ trợ như: ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất... Ngoài các KCN nêu trên, trong năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phát triển thêm KCN hỗ trợ ngành dệt may tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cũng tương tự như 2 mô hình trên, Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về KCN hỗ trợ như: khái niệm; mục tiêu phát triển và ưu đãi đầu tư cho KCN hỗ trợ.
PV: Được biết, bên cạnh các các mô hình KCN mới vừa nêu ở trên, thời gian vừa qua mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan và địa phương tiến hành nghiên cứu, thảo luận. Xin ông cho biết rõ hơn về chủ trương và định hướng xây dựng khung khổ pháp lý để triển khai xây dựng mô hình này?
Ông Trần Duy Đông: Mô hình KKT tại Việt Nam được nghiên cứu, triển khai phát triển từ năm 1998 và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, quá trình hoạt động của các KKT cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, xây dựng những mô hình mới với cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, nâng cao sức cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư.
Với lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên, nguồn nhân lực, tiềm năng phát triển; quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Trung ương và một số địa phương về việc tìm kiếm mô hình động lực phát triển mới, mang tính đột phá; yêu cầu ngày càng cao về việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao tính cạnh tranh về thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực và trên thế giới, việc nghiên cứu các cơ sở lý luận và thực tiễn của mô hình đặc khu kinh tế, trong đó tập trung vào mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhận định khả năng phát triển, đề xuất định hướng triển khai là cần thiết.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thẩm định các Đề án đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trình Ban cán sự Đảng Chính phủ và báo cáo Chính phủ.
Theo đề xuất của các địa phương, 03 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ có những cơ chế đặc thù về hành chính và kinh tế vượt trội so với các KCN, KKT hiện tại và cạnh tranh được với quốc tế; đồng thời, mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước. Hiện nay, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đang xem xét để trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
PV: Với những nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách, ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của các KCN, KKT trong năm 2017?
Ông Trần Duy Đông: Thời gian qua, ngoài xây dựng cơ chế, chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã tập trung hỗ trợ đẩy nhanh việc triển khai các dự án quy mô lớn trong KCN, KKT để sớm tạo sức lan tỏa, thu hút đầu tư vào KCN, KKT; tăng cường đối thoại giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiều cam kết với nhà đầu tư…
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động và công tác quản lý đối với các KCN, KKT, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan tới các vấn đề về đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai, nắm bắt các các cơ hội mới mở ra khi thực hiện các hiệp định thương mại - đầu tư song phương, đa phương và nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng, triển khai các mô hình KKT, KCN mới, thực hiện Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo về phát triển KKT, KCN với vai trò thường trực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; sự nỗ lực của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, quá trình xây dựng, phát triển KCN, KKT và hoạt động của các doanh nghiệp trong KCN, KKT trên cả nước trong năm 2017 tiếp tục đạt được những kết quả khá tích cực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!