Thứ Ba | 09 | 09 | 2014 | (GMT+7)Nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại khu vực phía Nam
(khucongnghiep.com.vn). Ngày 14/8/2014, tại thành phố Cần Thơ, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị giao ban Công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) nước ngoài khu vực phía Nam năm 2014.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,53 tỷ USD (tính chung cả cấp mới và tăng vốn), bằng 80,1% so với cùng kỳ 2013. Có 889 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,85 tỷ USD. Ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 6,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2013. Tính đến tháng 7/2014, cả nước có 16.813 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 242,4 tỷ USD, vốn thực hiện hơn 118 tỷ USD. Hiện có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam, dẫn đầu là các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - phát biểu tại Hội nghị
Một số tỉnh, thành khu vực phía Nam có số dự án FDI cấp mới tăng đáng kể và nằm trong tốp đầu cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 2 cả nước với 208 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 981,12 triệu USD; Bình Dương xếp thứ 3 với 87 dự án được cấp mới, tổng vốn đăng ký 381,5 triệu USD; Đồng Nai xếp thứ 4 với 40 dự án, số vốn 342,47 triệu USD; Tây Ninh xếp thứ 8 với 11 dự án và 259,6 triệu USD vốn đăng ký; Long An xếp thứ 10 với 34 dự án và 258,36 triệu USD…
Cơ cấu vốn đầu tư FDI ở khu vực phía Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (50%), kinh doanh bất động sản (24%), còn lại là dịch vụ lưu trú, ăn uống, xây dựng và một số ngành khác.
Các đại biểu tham gia hội nghị đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm XTĐT ở địa phương. Theo đó, cần chú trọng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực then chốt, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, hướng đến những nhà đầu tư tiềm năng ở các quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể để có hướng XTĐT phù hợp. Đồng thời, cần tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư FDI đã vào hoạt động lâu dài tại địa phương, phấn đấu nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn FDI. Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần có cơ chế hỗ trợ về đầu tư hoàn thiện hạ tầng, ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù để giúp tăng thu hút đầu tư FDI vào khu vực phía Nam.
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, các tỉnh, thành khu vực phía Nam cần xác định cải thiện môi trường đầu tư là trọng tâm của công tác XTĐT, lấy công tác XTĐT tại chỗ làm hạt nhân; tăng cường liên kết XTĐT với các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và các chương trình tuyên truyền đối ngoại; xây dựng chương trình XTĐT theo trọng tâm, trọng điểm, xác định tính khả thi, tránh dàn trải; đồng thời nên có sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các Bộ ngành liên quan ở cấp Trung ương; giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với các đơn vị thực hiện hoạt động XTĐT của địa phương ở cấp tỉnh.
Thu hút FDI cho khu vực phía Nam cần định hướng tập trung và các ngành công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các lĩnh vực đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP (dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản)… Đồng thời, các địa phương khu vực phía Nam cần chú trọng các đối tác chính là Nhật Bản, Hàn Quốc; tăng cường tiếp cận các công ty tài chính, tư vấn quốc tế từ Mỹ, EU và hướng tới các Tập đoàn đa quốc gia, các ngành dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục, phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng…
Các tin khác: