Thứ Năm | 04 | 09 | 2014 | (GMT+7)Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
(khucongnghiep.com.vn). Đứng trước những biến động của tình hình thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế, trong khi vẫn kiên trì mục tiêu phát triển dài hạn
Mỗi một vùng (bất kể quy mô và hình thức như thế nào) đều có một số đặc điểm chung, nổi trội so với các vùng khác. Sự khác biệt giữa các vùng tự nó cũng hàm nghĩa là mỗi vùng đều có những thế mạnh và thế yếu đặc thù, tạo ra những lợi thế tuyệt đối và tương đối nhất định trong sự phân công lao động xã hội. Liên kết vùng không chỉ bù đắp những khoảng trống, thiếu hụt nguồn lực giữa các vùng mà còn gia tăng tính lợi ích nhờ hiệu quả kinh tế theo quy mô. Vì thế, một cách tự nhiên, để phát triển sản xuất, đặc biệt là trong kinh tế thị trường, các vùng tất yếu có nhu cầu liên kết (cả nội vùng lẫn liên vùng).
Do việc quản lý vùng có các chủ thể nhất định, nên việc liên kết vùng có thể được thúc đẩy hay kìm hãm bởi các chính sách rất cụ thể. Bởi vậy, những nghiên cứu về liên kết vùng còn chỉ ra những điều kiện của liên kết vùng một cách hiệu quả, bền vững; trong đó phải kể đến:
- Sự tương đồng về thể chế và sự đồng thuận của các nhóm xã hội cùng chia sẻ lợi ích chung, trong đó có lợi ích phát triển riêng của mỗi vùng.
- Sự đồng bộ về khuôn khổ thể chế, sự nhất quán về cơ chế chính sách và sự thông thoáng trong cung cách quản trị của các vùng, nhất là về các mặt: sự công khai, minh bạch trong các chính sách, thông tin và hoạt động của bộ máy công quyền; đảm bảo các quyền về tài sản (cả hữu hình và vô hình); và đảm bảo duy trì chế độ hợp đồng.
- Hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại.
Hiện trạng liên kết vùng ở Việt Nam
Trong bối cảnh chuyển sang kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam cũng có đầy đủ các kiểu liên kết vùng, bao gồm:
- Các hình thức liên kết tự nhiên của quá trình phát triển, trong đó nổi bật nhất là kiểu liên kết mang tính lan tỏa, lôi kéo giữa trung tâm và ngoại vi, đô thị và nông thôn. Dạng liên kết này diễn ra một cách tự nhiên, khách quan trong quá trình phát triển, trước hết là từ các trung tâm, các đô thị với các ngành kinh tế đặc thù là công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ. Chủ thể chính của loại hình liên kết này là các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp và các gia đình, cá nhân. Đây là loại liên kết giữa các chủ thể đóng trên địa bàn của các vùng khác nhau với nhau (liên kết theo chiều ngang) và mang nặng tính thị trường, gồm các giao dịch mua bán, các loại hợp đồng, cổ phần công ty…
- Liên kết theo quan hệ phân cấp chính quyền giữa trung ương và địa phương (liên kết dọc, giữa cơ quan quản lý vùng lớn với vùng nhỏ), nên mang nặng tính mệnh lệnh hành chính (bắt buộc) và chủ thể chính là các cấp quản lý theo thứ bậc trên – dưới. Loại liên kết này chủ yếu bao gồm các lĩnh vực liên kết trong xử lý các vấn đề mang tính liên ngành: xây dựng quy hoạch phát triển ngành và vùng ở từng địa phương; xây dựng và thực thi chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ yếu; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vùng, như đường sá, cảng biển, sân bay; cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc; bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu; xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; vùng sản xuất nông nghiệp; trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực và đào tạo; xây dựng và thực thi các chính sách xóa đói giảm nghèo; các chính sách liên quan đến di cư, di chuyển lao động và nhà ở; giải quyết các vấn đề xã hội; bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và khắc phục các thảm họa thiên tai;…
- Liên kết giữa các vùng (địa phương) với nhau, chủ yếu do các cơ quan quản lý cấp địa phương với nhau (liên kết theo chiều ngang) và mang tính hành chính tự nguyện. Loại hình liên kết này mới được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây. Về lý thuyết, các lĩnh vực cần thiết phải phối hợp hành động cũng giống như trong liên kết dọc giữa các cơ quan quản lý theo phân cấp (trung ương – địa phương) nêu trên, chỉ khác là cách thức tiến hành thì diễn ra theo chiều ngang (giữa các địa phương với nhau) và chủ yếu mang tính tự nguyện.
Vì nhiều lý do về thể chế, cho tới nay, các liên kết vùng theo chiều dọc (trung ương và địa phương) vẫn là loại liên kết chủ yếu, thậm chí trong một số trường hợp còn lấn át các loại liên kết ngang. Tính vùng trong quan hệ liên kết dọc chưa được tính đến một cách thỏa đáng. Bằng chứng rõ ràng là việc chạy đua quyết liệt trong việc xây dựng những dự án các loại trên địa bàn các tỉnh mà từ lâu, cả trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn các diễn đàn chính thức, chúng được xem như những “phong trào”, những “hội chứng” về nhà máy rượu bia, xi măng, thủy điện, cảng biển, sân bay, khai thác khoáng sản, khu đô thị,… tạo thành nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia. Xu hướng này gây ra một số vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế hiện nay.
Một là, tình trạng thiếu thống nhất về những thông tin kinh tế cơ bản, khiến cho việc tìm hiểu môi trường kinh doanh trở nên khó khăn, thậm chí gia tăng chi phí tìm hiểu và gia nhập thị trường. Đây là vấn đề tồn đọng từ lâu và vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, khiến cho sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh chậm được cải thiện.
Hai là, cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng (bến cảng, sân bay…), khu đô thị, KCN và một số loại sản phẩm với cơ cấu kinh tế tương tự nhau giữa các tỉnh, khiến cho trong một số lĩnh vực, không sử dụng hết công suất, xuất hiện tình trạng dư cung, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
Ba là, xuất hiện tình trạng tranh chấp tài nguyên (tranh giành) và xử lý ô nhiễm môi trường (đùn đẩy). Không hiếm ví dụ về những cơ sở sản xuất ở tỉnh này gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại kinh tế (và sức khỏe con người) cho chính họ và cho những tỉnh khác (nhất là ô nhiễm nguồn nước), nhưng chưa có cơ chế xử lý thỏa đáng.
Bốn là, gần đây xuất hiện hiện tượng các tỉnh thành gia tăng hoạt động xúc tiến đầu tư riêng rẽ, tuy thể hiện được tinh thần năng động, tích cực; nhưng ở góc độ của các nhà đầu tư thì lại thấy một đối tác thiếu tính tổ chức và thống nhất về đường hướng, chính sách và thông tin. Hậu quả là đôi khi lợi bất cập hại.
Thực ra, các quy định mang tính pháp lý về liên kết, phối hợp cả chiều dọc lẫn chiều ngang trên một số lĩnh vực quản lý vĩ mô đã được nhà nước ban hành. Hầu như trong các văn bản pháp lý, phần nói về giải pháp và/hoặc tổ chức thực hiện, đều có đề cập đến vấn đề phối hợp giữa các ngành, các địa phương. Đặc biệt, riêng trong lĩnh vực liên kết, phối hợp vùng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg về Qui chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các vùng kinh tế trọng điểm. Theo Quyết định này, các Bộ, tỉnh/thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm sẽ phải tham gia, phối hợp trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng; quy hoạch phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm chủ yếu; huy động vốn đầu tư phát triển và đầu tư phát triển; phát triển đào tạo và sử dụng lao động; rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành thực hiện cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư; thiết lập hệ thống thông tin và cung cấp thông tin vùng. Việc phối hợp tốt các vấn đề này sẽ tránh được sự chồng chéo, trùng lắp trong phát triển giữa các địa phương trong vùng.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu và tiến hành trên thực tế các hoạt động liên kết vùng. Trong khuôn khổ các vùng đô thị như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng, thực hiện công tác hoạt động điều phối, liên kết vùng có nhiều các sáng kiến liên kết, hợp tác của các địa phương.
Tuy vậy, bên cạnh một số kết quả nhất định, việc thực hiện sự phân công, hợp tác và liên kết giữa các vùng và các địa phương trong nội vùng vẫn còn hình thức và khá nhiều hạn chế.
Liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư
Những nhu cầu thực tế
Sau gần 30 năm đổi mới và mở cửa, nền kinh tế Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (bình quân thời kỳ 1991-2010 đạt 7,4%/năm), nhờ đó, từ năm 2010, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình (thấp); và tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, được thế giới xếp vào nhóm các quốc gia có thành tích giảm nghèo nổi bật (năm 2012 còn dưới 10%).
- Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tuy cũng phải trải qua một số thời điểm khó khăn. Nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đã hoàn thành trước thời hạn (2015).
- Môi trường kinh doanh có bước cải thiện nhất định, thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư. (Hiện tại, tỷ trọng vốn FDI chiếm khoảng 1/4 tổng nguồn vốn đầu tư xã hội và sản xuất ra khoảng 18% GDP).
Những thành tựu nêu trên tạo đà tốt cho sự phát triển trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, trước mắt nền kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là so với mục tiêu chiến lược đến năm 2020 “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Một số thách thức đáng lưu ý:
- Thứ nhất, xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nếu như thời kỳ 2001-2010, mức tăng trưởng đạt bình quân 7%/năm, thì bình quân 3 năm 2011-2013 đạt 5,6%/năm (năm 2011: 6,24%; năm 2012: 5,25%; và năm 2013 ước khoảng 5,4%). Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm tốc độ tăng trưởng nêu trên, quan trọng nhất phải kể đến sự suy giảm nhanh chóng của mức tăng nguồn vốn đầu tư. Nếu như giai đoạn 2006-2010, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP bình quân là 39,3%/năm, thậm chí có năm đạt trên 40%, thì tỷ lệ này đã giảm xuống nhanh chóng, năm 2011 là 33,3%; năm 2012 là 30,5% và dự kiến năm 2013 dưới 30%. Tăng trưởng giảm sẽ dẫn đến tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP giảm. Năm 2011, tỷ lệ huy động này là 25,1%, năm 2012 là 22,3% và dự kiến năm 2013 là 20,5%. Ngoài ra, tuy mức nợ công vẫn được coi là trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn đang trong xu thế tăng lên: năm 2011 tỷ lệ nợ công so với GDP là 54,9%; năm 2012 là 55,7%. Đồng thời, mức tăng trưởng giảm đi so với dự kiến cũng có nghĩa là một số mục tiêu kinh tế - xã hội như giảm nghèo, an sinh xã hội… sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Rõ ràng, trong những năm tới, nếu không có các giải pháp đột phá trong việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài sẽ rất khó khăn, tốc độ tăng trưởng sẽ không tăng lên được. Vì thế, bên cạnh những giải pháp hiện có, trên phạm vi vùng, việc tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư phát triển trở thành nhu cầu khẩn thiết.
- Thứ hai, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm hình thành một mô hình tăng trưởng kinh tế mới có cơ cấu kinh tế hợp lý hơn và dựa nhiều hơn vào yếu tố khoa học công nghệ để tiết kiệm hơn các chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng sẽ giống như một giai đoạn mới của công cuộc đổi mới, bao gồm cả những sự thay đổi về thể chế lẫn công nghệ, các quan hệ thị trường và cách thức quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Vì vậy, liên kết vùng để thu hút đầu tư theo tư tưởng của tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một nhiệm vụ mới, đòi hỏi phải có định hướng mới trong phân công và hợp tác giữa các địa phương cũng như quan tâm nhiều hơn đến yếu tố khoa học – công nghệ của sản xuất và sự lựa chọn các đối tác cũng như dự án đầu tư.
- Thứ ba, đảm bảo an sinh xã hội, tìm kiếm việc làm, giảm nghèo đói, phòng chống thiên tai, ứng phó với tác động tiêu cực biến đổi khí hậu trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động tăng cao, nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn còn, hàng tồn kho cao, thị trường bất động sản đình trệ và chưa có khả năng phục hồi sớm… là thách thức lớn trong những năm trước mắt. Tăng cường thu hút vốn đầu tư và đặc biệt là sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội và bảo vệ môi trường cũng là một nhiệm vụ mới đối với liên kết vùng.
- Cuối cùng, việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược (đột phá về thể chế kinh tế, đột phá về phát triển nhân lực và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng) để giải tỏa “điểm nghẽn” có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Trong điều kiện các chính sách tạo động lực cho phát triển kinh tế từ thời kỳ đầu đổi mới đến nay đã phát huy hết tác dụng, cần có các giải pháp đột phá mạnh mẽ về thể chế nhằm tạo động lực và thu hút các nguồn lực cho sự phát triển trở thành nhu cầu bắt buộc. Vì vậy, nhu cầu liên kết, phân công và phối hợp trên quy mô vùng cả trong đột phá về thể chế, đột phá về phát triển nhân lực và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng để tạo ra sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển là rất cấp thiết.
Một vài khuyến nghị
Từ nhu cầu thực tế nêu trên và cách thức liên kết vùng hiện nay, đề xuất một số khuyến nghị nhằm tăng cường hơn công tác phối hợp, liên kết vùng để phát triển và thu hút đầu tư như sau.
Đổi mới nhận thức về tư duy phát triển vùng và liên kết vùng
Nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí của phát triển kinh tế vùng trong hệ thống kinh tế quốc dân và vai trò của liên kết vùng trong hệ thống các quan hệ quản lý kinh tế vĩ mô, nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quan điểm phát triển chung và vì lợi ích phát triển toàn cục, quốc gia.
Xem xét lại cơ chế phân cấp giữa Trung ương và địa phương và chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương(giảm nhiệm vụ về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngân sách...; tăng nhiệm vụ bảo đảm môi trường kinh doanh, dịch vụ công...), gắn phân cấp cho địa phương với đảm bảo nguồn lực thực hiện. Đây là biện pháp có tính cơ bản, lâu dài, liên quan đến sửa đổi một số văn bản Luật hiện hành.
Nghiên cứu hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế vùng
Hiện tại, mới có Ban chỉ đạo các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, và Ban điều phối các vùng kinh tế trọng điểm. Như vậy, về nguyên tắc, còn nhiều địa phương và vùng chưa xác định cơ chế quản lý vùng rõ ràng. Để phát huy được cao nhất các tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, mâu thuẫn, hiệu quả thấp… trong đầu tư phát triển, cần có sự phân công, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng. Nhưng để làm được điều này một cách thống nhất, hiệu quả, cần phải xác định một cơ chế rõ ràng dưới sự điều hành và giám sát chung của Nhà nước.
Sáng kiến hình thành Tổ điều phối liên kết các tỉnh duyên hải miền Trung có thể là mô hình liên kết giữa các địa phương đáng tham khảo và rút kinh nghiệm để nhân rộng và hình thành cơ chế quản lý phát triển kinh tế vùng.
Tổ chức nghiên cứu cơ chế chính sách liên vùng để giải quyết một số vấn đề liên quan đến phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế
Cả trong hiện tại lẫn tương lai, một số vấn đề liên quan đến phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nguồn nước, phòng tránh thảm họa và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế biển và hải đảo,... đều cần phải được tiếp tục nghiên cứu với những cách tiếp cận mới để có cơ chế chính sách liên vùng phù hợp, đem lại hiệu quả cao nhất. Theo hướng này, có thể nghiên cứu cụ thể hơn những ý kiến đề xuất mới.
Một số hoạt động liên kết vùng cần kíp trước mắt
- Liên kết xúc tiến đầu tư vùng: Trong khi chờ đợi một cơ chế liên kết phối hợp chung, thống nhất từ trung ương, các địa phương nên chủ động tổ chức liên kết các hoạt động xúc tiến đầu tư vùng. Trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương, các tỉnh nên phối hợp cùng tổ chức các cuộc họp để phân công và phối hợp trong phát triển các ngành nghề, khu vực và kêu gọi đầu tư trên quy mô vùng.
- Đối với các lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội do Nhà nước chi phối, quản lý và liên kết trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (mạng lưới giao thông, sân bay, cảng biển, khu xử lý chất thải rắn nguy hại, mạng lưới cấp nước liên tỉnh, mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, cơ sở dạy nghề, mạng lưới bệnh viện....): phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trung ương trong việc luận chứng xác định cụ thể trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; bố trí kế hoạch đầu tư theo kế hoạch trung hạn, xem xét, cân đối trên tổng thể vùng, nhất là đối với các tuyến giao thông địa phương cần kết nối; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho các địa phương bị ảnh hưởng tiêu cực (như xây dựng các khu xử lý chất thải nguy hại, nghĩa trang quy mô vùng...).
- Đối với liên kết trong sản xuất, kinh doanh, cần rà soát lại hướng khuyến khích đầu tư trong các KCN, KKT (ven biển, cửa khẩu), khu du lịch... giữa các địa phương để tránh chồng chéo, trùng lặp; dần hình thành nên các clusters công nghiệp một cách hiệu quả.
Các tin khác: