Thứ Hai | 20 | 10 | 2014 | (GMT+7)

Nhà ở cho người lao động trong các KCN

(khucongnghiep.com.vn). Sự phát triển của các KCN, KCX ở Việt Nam đã đem lại nhiều mặt tích cực cho nền kinh tế...

 

Sự phát triển của các KCN, KCX ở Việt Nam đã đem lại nhiều mặt tích cực cho nền kinh tế. Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, KCX không những tạo động lực to lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy quá trình tiếp thu công nghệ cao, hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra khối lượng lớn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay các KCN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi  bật là vấn đề xây dựng và phát triển nhà ở cho người lao động trong các KCN.

 

Tính đến hết tháng 8/2014, cả nước có 295 KCN được thành lập, tạo việc làm cho hơn 2,25 triệu lao động, trong đó số lao động ngoại tỉnh và ngoại huyện có nhu cầu thuê nhà ở trong thời gian lao động tại các KCN, KKT khoảng 1,65 triệu lao động (chiếm 75% tổng số lao động trong các KCN). Hiện nay, các khu nhà ở tập trung (xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ doanh nghiệp) cung cấp khoảng 7 - 10% chỗ ở cho những lao động này. Trên 90% lao động còn lại phải tự thu xếp chỗ ở, thuê nhà rải rác trong các khu dân cư lân cận KCN, đời sống vật chất và tinh thần còn thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt khó khăn, an ninh trật tự tại các khu công nhân thuê nhà ở một số KCN cũng có nhiều bức xúc do số lượng và mật độ công nhân thuê rất đông. Người lao động ngoại tỉnh thường thuê nhà dân, từ 3 - 4 người ở chung 01 phòng, có diện tích từ 10 - 15 m2, với mức giá thuê từ 300.000 - 500.000 đồng/người/tháng tùy địa phương, không kể chi phí điện nước.

 

Thực trạng xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN

Những năm gần đây, khi  xây dựng, quy hoạch phát triển các KCN, nhiều địa phương đều đã quy hoạch các khu đất để xây dựng nhà ở cho người lao động hoặc quy hoạch các KCN gần các khu đô thị. Tính đến tháng 8/2014, trên cả nước mới chỉ có 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê đã hoàn thành đầu tư xây dựng, với quy mô xây dựng 17.430 căn hộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho 139.440 lao động (bằng 8,6% nhu cầu hiện nay).

Công nhân Công ty Scavi trong KCN Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

Những điển hình về việc đầu tư xây dựng khu nhà ở và các công trình phúc lợi cho người lao động là khu nhà ở của Công ty Samsung (KCN Yên Phong 1, tỉnh Bắc Ninh và KCN Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên), Công ty Texhong Ngân Long (KCN Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh), Công ty Formosa (KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh)…

Hiện nay, đã có thêm 39 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN với quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ đang được triển khai, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 165.000-170.000 lao động (bằng 10% nhu cầu hiện nay).

Như vậy, tính chung các khu nhà ở cho người lao động đang hoạt động và đang xây dựng thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 18-19% nhu cầu thực tế về nhà ở cho người lao động trong các KCN hiện nay. Đây vẫn là vấn đề nan giải của các địa phương. Đặc biệt, trong những năm tới, khi các KCN hiện có được lấp đầy và các KCN mới hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng đưa vào hoạt động thì vấn đề nhà ở cho người lao động sẽ càng trở nên bức xúc hơn.

Những hạn chế vướng mắc trong xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN xuất phát từ 3 nhóm nguyên chính như sau:

Một là, về quỹ đất: hầu hết các KCN hiện nay chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Việc quy hoạch xây dựng và phát triển cũng như quản lý các dự án nhà ở công nhân lao động còn nhiều khó khăn; mô hình và trách nhiệm quản lý chưa rõ.

Hai là, về vốn: Trong khi nguồn vốn xây dựng các dự án nhà ở cho công nhân của các doanh nghiệp còn hạn hẹp thì việc vay vốn ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn do các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân đều có lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm. Mặt khác, các chính sách ưu đãi về vốn theo quy định của pháp luật hiện nay chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Vì vậy, việc xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng phát triển nhà ở công nhân còn gặp nhiều khó khăn.

Ba là, về cơ chế chính sách: Trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, các cơ chế phân cấp quản lý, đầu tư và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý đầu tư xây dựng các dự án nhà ở công nhân lao động trong các KCN, CCN chưa được quy định cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, cơ chế chính sách cho đầu tư xây dựng dự án nhà ở công nhân KCN lại thay đổi theo hướng giảm bớt ưu đãi. Cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở công nhân theo Quyết định 66/2009/QĐ-TTg và Quyết định 96/2009/QĐ-TTg còn nhiều bất cập và tính khả thi chưa cao. Điều này đã dẫn đến khó khăn hơn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội.

 

Các quy định hiện hành về xây dựng nhà ở cho người lao động

Để tạo điều kiện giải quyết vấn đề quỹ đất và quy hoạch nhà ở gắn với quy hoạch KCN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về KCN, KCX và KKT, theo đó bổ sung quy định mới, cụ thể: quy hoạch nhà ở cho người lao động KCN phải gắn liền với quy hoạch các KCN trên địa bàn, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN phải xây dựng phương án giải quyết nhà ở cho người lao động ngay từ giai đoạn thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư; trên cơ sở sự thống nhất của Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN để dành một phần diện tích đất KCN đã giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở cho người lao động; UBND các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để người lao động sử dụng các dịch vụ y tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Nhà ở cho công nhân Công ty Texhong - Ngân Long, KCN Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh

Để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia xây dựng, phát triển quỹ nhà ở cho người lao động, trong đó có người lao động trong các KCN, Chính phủ ban hành Nghị định 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó bên cạnh các quy định bắt buộc đối với từng địa phương về xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, về trách nhiệm lập quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội... thì một trong những nội dung quan trọng để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội là các quy định về ưu đãi khuyến khích như: miễn tiền sử dụng đất, thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, ngân sách địa phương, trái phiếu địa phương và các quỹ phát triển nhà ở xã hội; được hỗ trợ đầu tư toàn bộ phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ...

Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng quy định phần thu nhập của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu, kinh doanh nhà ở xã hội mà đáp ứng các điều kiện về đối tượng, tiêu chí về nhà ở xã hội sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%.

Ngoài ra, nội dung về xây dựng nhà ở, cải thiện đời sống cho người lao động xung quanh các KCN đã được đưa vào Kế hoạch hành động sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản (đã được thực hiện từ giai đoạn 3, năm 2011 và đang được tiếp tục triển khai trong giai đoạn 5, từ năm 2013 trở lại đây).

 

Một số đề xuất, kiến nghị

Để khuyến khích, thúc đẩy việc xây dựng nhà ở cho người lao động, đặc biệt thu hút khu vực tư nhân, huy động nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn của chính doanh nghiệp KCN vào xây dựng nhà ở cho người lao động thì ngoài quỹ đất và quy hoạch, cần phải tạo mặt bằng và hạ tầng trên đất thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi hơn nữa, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính để phát triển nhà ở cho người lao động tại các địa phương, cụ thể như sau:

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân.

- Mở rộng đối tượng ưu đãi, hỗ trợ về thuế cho người dân hiện đang có nhà trọ cho công nhân thuê và tham gia xây dựng nhà ở cho người lao động tại các địa bàn có KCN để họ xây dựng, nâng cấp cải tạo nhà trọ hiện có, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân KCN, giảm giá cho thuê...

- Thành lập Quỹ hỗ trợ nhà ở công nhân và cho vay với mức lãi suất ưu đãi, có chính sách hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu nhà ở công nhân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại. Xem xét hỗ trợ trực tiếp một phần cho người lao động thông qua quỹ hỗ trợ phát triển nhà ở.

- Bổ sung quy định việc xây dựng nhà ở cho công nhân là trách nhiệm của các doanh nghiệp và chủ đầu tư sử dụng lao động (đối với các dự án sử dụng nhiều lao động phải có cam kết của chủ đầu tư khi tiếp nhận dự án).

- Ban hành hệ thống tiêu chuẩn nhà ở tối thiểu cho người lao động trong KCN, đồng thời điển hình hóa các thiết kế nhà ở nhằm thống nhất và đảm bảo phù hợp với nhu cầu và khả năng của người lao động trong KCN.

- Nhà ở cho công nhân KKT, KCN là một chính sách an sinh xã hội. Do đó, ngân sách nhà nước cần dành kinh phí nhất định để hỗ trợ các địa phương có KKT, KCN xây dựng nhà ở công nhân, nhất là các địa phương không tự cân đối được thu chi ngân sách trên địa bàn. Do vậy cần sửa đổi, bổ sung Quyết định số 43/2009/QĐ-TTg ngày 19/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng hỗ trợ ngân sách trung ương cho xây dựng nhà ở cho người lao động.



Các tin khác:

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:

Đổi mật khẩu

Mật khẩu cũ:
Mật khẩu mới:
Nhập lại mật khẩu mới: