Thứ Hai | 28 | 10 | 2013 | (GMT+7)Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế quản lý KCN, KCX, KKT
Ngày 27/9/2013, tại thành phố Quảng Ngãi đã diễn ra Hội nghị giao ban Ban Quản lý (BQL) các KCX, KCN và KKT khu vực các tỉnh, thành phía Nam lần thứ 19 với chủ đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế quản lý KCX, KCN, KKT và thu hút đầu tư trong điều kiện hiện nay”.
Thời gian gần đây, thu hút đầu tư vào các KCX, KCN, KKT nước ta có xu hướng sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; bên cạnh đó, một phần còn do thủ tục hành chính vẫn phức tạp, tốn kém, chồng chéo làm cho một số nhà đầu tư không mặn mà đến việc đầu tư vào các KCX, KCN, KKT của Việt Nam mà chuyển dòng vốn đầu tư sang các quốc gia lân cận.
Đánh giá về những hạn chế về cơ chế và thẩm quyền quản lý, ông Nguyễn Anh Triết - Quyền Trưởng ban, BQL các KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, việc thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” tại các BQL KCN, KKT đang dần bị thu hẹp do sự phân quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan, đã làm tăng phiền hà cho doanh nghiệp do phải đi lại rất nhiều cơ quan chuyên môn trong quá trình thực hiện dự án.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình phát triển cũng như quản lý, vận hành các KKT, KCN, KCX gặp một số khó khăn, vướng mắc do những bất cập trong cơ chế, chính sách như: việc phân cấp, ủy quyền cho BQL trong một số lĩnh vực còn chưa được thực hiện đầy đủ, nhất quán trên cả nước do chưa có sự thống nhất trong áp dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành; chưa được các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể hoặc chủ trương phân cấp, ủy quyền chưa được địa phương quán triệt và thực hiện, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, môi trường, lao động, đầu tư, xây dựng. Một số quy định về cơ chế hoạt động của các KCX, KCN, KKT còn chưa hợp lý, chưa có tính đặc thù cần được xem xét lại để tránh chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều địa phương đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành của địa phương trong quản lý nhà nước KCX, KCN, KKT nhưng trong thực tế, việc phối hợp thực hiện chưa đạt hiệu quả cao.
Theo ông Võ Thanh Lập, Trưởng ban BQL các KCN Đồng Nai thì việc đánh giá lại công tác triển khai thực hiện Nghị định 29/2008/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan là cần thiết vì đây là điều kiện pháp lý quan trọng trong việc thực hiện chương trình cải cách hành chính, hoàn thiện và chuẩn hóa mô hình tổ chức và hoạt động của BQL, nhằm tiếp tục phát huy cơ chế “một cửa, tại chỗ” có hiệu quả, đồng thời hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thuận tiện.
Các đại biểu cũng đã thảo luận và thống nhất đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cho phù hợp đối với các KKT, KCN để tạo điều kiện trong công tác quản lý cũng như thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các tin khác: