Thứ Sáu | 12 | 08 | 2022 | (GMT+7)

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

Sáng 4/8, tại Hà Nội Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V

 

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; đồng chí Trần Hồng Hà, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Lê Quang Huy, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đồng chí Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT, đồng chí Phan Xuân Dũng, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

 

Ngoài ra còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương; Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đại diện của một số tổ chức và chuyên gia quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ V không chỉ tổng kết, đánh giá kết quả đạt được và những bài học, kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn vừa qua mà còn để quán triệt, cùng thống nhất nhận thức và hành động của cả xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.

Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 5 có hơn 800 đại biểu tham dự

 

Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, ban ngành và đã thống nhất được 3 vấn đề lớn: 

 

Thứ nhất, trong giai đoạn 2016-2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song công tác bảo vệ môi trường nước ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tích cực vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đưa nước ta hướng đến sự phát triển xanh và bền vững. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được hoàn thiện đồng bộ, trong đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Hình thành một phương thức và tư duy quản lý mới đối với các vấn đề môi trường, qua đó đã chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường. Áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội lên môi trường được kiểm soát tốt hơn; nhiều cơ sở, nguồn gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường được hạn chế, giảm thiểu. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện. Các mô hình, công nghệ hiện đại được triển khai trong tái chế, xử lý chất thải. Xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường. Hoạt động quan trắc, cảnh báo, dự báo về chất lượng môi trường được nâng cao, cung cấp thông tin về môi trường phục vụ tốt cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

 

Thứ hai, bên cạnh những thành công đạt được, hội nghị nhận thấy, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

 

Thứ ba, giai đoạn 2022 – 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025. Tuy nhiên, môi trường nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khả năng đầu tư và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cam kết quốc tế về môi trường đòi hỏi Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo đạt được các yêu cầu, cam kết và nghĩa vụ đã ký kết, thỏa thuận; trong đó có cam kết theo các FTA thế hệ mới, Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 tại Hội nghị COP 26; cam kết về Thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học...



Các tin khác:

Đăng nhập

Tên đăng nhập:
Mật khẩu:

Đổi mật khẩu

Mật khẩu cũ:
Mật khẩu mới:
Nhập lại mật khẩu mới: